Quy chuẩn này quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn khi thực hiện các công việc xây dựng, vận hành, kinh doanh, thí nghiệm, kiểm định, sửa chữa đường dây dẫn điện, thiết bị điện và các công việc khác theo quy định của pháp luật.
1. An toàn điện là gì?
2. Yêu cầu về kỹ thuật trong an toàn điện
2.1. Làm việc với phần không có điện
2.2. Làm việc gần phần có điện
2.3. Làm việc với phần có điện
Cơ sở pháp lý:
- Luật điện lực 2004 sửa đổi 2012
- Nghị định 14/2014/NĐ-CP
- Nghị định 51/2020/NĐ-CP
- Thông tư 39/2020/TT-BCT
1. An toàn điện là gì?
An toàn điện là một chuỗi các biện pháp hoặc cách xử lý ứng phó để hạn chế tối đa các tại nạn do điện gây ra. Nó giúp con người tránh khỏi các tổn thương như điện giật, bỏng, tổn thương nội tạng...
2. Yêu cầu về kỹ thuật trong an toàn điện
Thông tư 39/2020/TT-BCT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện trong đó có yêu cầu về kỹ thuật. Cụ thể như sau:
2.1. Làm việc với phần không có điện
Trình tự thực hiện các biện pháp an toàn trước khi thực hiện công việc
- Cắt điện và thực hiện các biện pháp ngăn chặn có điện trở lại.
- Kiểm tra xác định không còn điện.
- Thực hiện nối đất (tiếp địa):
+ Đơn vị quản lý vận hành thực hiện nối đất tạo vùng làm việc an toàn trước khi bàn giao hiện trường.
+ Đơn vị công tác thực hiện bổ sung nối đất di động tại nơi làm việc nếu cần thiết khi thực hiện công việc.
- Đặt rào chắn và treo biển báo an toàn.
- Biện pháp an toàn cần thiết khác do đơn vị công tác quyết định.
Đánh số thiết bị: Các thiết bị, đường dây phải được đặt tên, đánh số chỉ dẫn rõ ràng.
Đóng, cắt thiết bị
- Cấm sử dụng dao cách ly để đóng, cắt dòng điện phụ tải (trừ dao cách ly phụ tải được phép đóng cắt có tải theo quy định của nhà chế tạo).
- Khi thao tác dao cách ly phải khẳng định chắc chắn đường dây đã hết tải.
- Việc đóng, cắt các đường dây, thiết bị điện phải sử dụng thiết bị đóng cắt phù hợp.
Mạch liên động
Sau khi thực hiện cắt các thiết bị đóng cắt, người thao tác phải:
- Khóa bộ truyền động và mạch điều khiển, mạch liên động của thiết bị đóng cắt.
- Treo biển báo an toàn.
- Bố trí Người cảnh giới (nếu cần thiết).
Phóng điện tích dư
- Phải thực hiện việc phóng điện tích dư (nếu cần thiết) và đặt nối đất di động trước khi làm việc.
- Khi phóng điện tích dư, phải tiến hành ở trạng thái như đang vận hành và sử dụng các trang thiết bị an toàn và bảo hộ lao động.
Kiểm tra không còn điện
- Khi tiến hành công việc đã được cắt điện phải kiểm tra xác định nơi làm việc không còn điện.
- Trong trường hợp mạch điện đã được cắt điện nằm gần hoặc giao chéo với mạch điện cao áp có điện phải kiểm tra điện áp cảm ứng bằng thiết bị kiểm tra điện áp. Khi phát hiện điện áp cảm ứng, nhân viên đơn vị công tác phải báo cáo với Người chỉ huy trực tiếp. Người chỉ huy trực tiếp phải đưa ra các biện pháp an toàn bổ sung, các chỉ dẫn thích hợp để đảm bảo an toàn cho nhân viên đơn vị công tác như nối đất làm việc và không cho phép tiến hành công việc cho đến khi biện pháp an toàn bổ sung được thực hiện.
Chống điện cấp ngược
- Phải đặt nối đất di động để chống điện cấp ngược đến nơi làm việc từ phía thứ cấp của máy biến áp hoặc các nguồn điện hạ áp khác.
- Khi cắt điện đường dây hạ áp, phải có biện pháp chống điện cấp ngược lên đường dây từ các nguồn điện độc lập khác.
Một số quy định về đặt và tháo nối đất di động tại nơi làm việc
- Đơn vị công tác thực hiện đặt và tháo nối đất di động theo chỉ đạo của Người chỉ huy trực tiếp.
- Khi có nhiều đơn vị công tác cùng thực hiện công việc liên quan trực tiếp đến nhau thì mỗi đơn vị phải thực hiện nối đất di động độc lập.
- Việc dỡ bỏ tạm thời nối đất di động để thực hiện các công việc cần thiết của đơn vị công tác chỉ được thực hiện theo lệnh của Người chỉ huy trực tiếp và phải được thực hiện nối đất lại ngay sau khi kết thúc công việc đó.
- Khi đặt và tháo nối đất di động trên lưới điện cao áp nhân viên đơn vị công tác phải dùng sào và găng cách điện phù hợp; đặt và tháo nối đất di động tại lưới hạ áp phải đeo găng tay cách điện hạ áp.
- Dây nối đất là dây đồng hoặc hợp kim mềm, nhiều sợi, tiết diện phải chịu được tác dụng lực điện động và nhiệt.
- Khi đặt nối đất di động phải đặt đầu nối với đất trước, đầu nối với vật dẫn điện sau, khi tháo nối đất di động thì làm ngược lại.
Thực hiện biện pháp kỹ thuật an toàn khi nhiều đơn vị công tác cùng làm việc trên một công trình điện lực
- Khi làm việc tại một công trình điện lực có nhiều đơn vị công tác khác nhau thì mỗi đơn vị công tác phải thực hiện biện pháp kỹ thuật an toàn riêng biệt.
- Giữa các đơn vị công tác phải có dấu hiệu nhận biết để phân biệt người của từng đơn vị theo phạm vi làm việc.
2.2. Làm việc gần phần có điện
Khoảng cách an toàn về điện
- Khi không có rào chắn tạm thời, khoảng cách an toàn về điện không nhỏ hơn quy định tại bảng sau:
Cấp điện áp (kV) | Khoảng cách an toàn về điện (m) |
Từ 01 đến 15 | 0,70 |
Trên 15 đến 35 | 1,00 |
Trên 35 đến 110 | 1,50 |
220 | 2,50 |
500 | 4,50 |
Cấp điện áp (kV) | Khoảng cách an toàn về điện (m) |
Từ 01 đến 15 | 0,35 |
Trên 15 đến 35 | 0,60 |
Trên 35 đến 110 | 1,50 |
220 | 2,50 |
500 | 4,50 |
Yêu cầu đối với rào chắn tạm thời
- Việc đặt rào chắn tạm thời phải được quyết định trước khi thực hiện công việc.
- Yêu cầu đối với rào chắn tạm thời:
+ Phải làm bằng vật liệu chắc chắn.
+ Không được đổ về phía phần có điện.
- Phải bảo đảm khoảng cách theo quy định của Quy chuẩn này.
- Không cản trở người tham gia thực hiện công việc rời khỏi vị trí làm việc khi xảy ra tai nạn, sự cố.
Thiết lập vùng làm việc an toàn
Trước khi làm việc gần phần có điện, đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm tạo vùng làm việc cho đơn vị công tác theo quy định sau:
- Yêu cầu đối với tạo vùng làm việc an toàn:
+ Không được ảnh hưởng đến vận hành của các phần có điện gần vùng làm việc an toàn.
+ Không cản trở hoặc gây khó khăn cho đơn vị công tác trong việc thoát nạn khi xảy ra tai nạn, sự cố.
- Đơn vị quản lý vận hành và đơn vị công tác phối hợp xác định ranh giới vùng làm việc an toàn.
- Lập rào chắn tạm thời hoặc áp dụng biện pháp phù hợp để đơn vị công tác xác định được ranh giới vùng làm việc an toàn bằng trực quan.
- Bàn giao vùng làm việc cho đơn vị công tác.
Tiếp nhận, làm việc trong vùng làm việc an toàn
- Khi tiếp nhận, Người chỉ huy trực tiếp và Người cho phép phải kiểm tra vùng làm việc an toàn.
- Trong quá trình làm việc đơn vị công tác không được:
+Vượt qua ranh giới vùng làm việc an toàn do đơn vị quản lý vận hành lập và bàn giao cho đơn vị công tác.
+ Dịch chuyển, dỡ bỏ rào chắn, biển báo, tín hiệu xác định vùng làm việc an toàn và các biện pháp an toàn do đơn vị quản lý vận hành lập.
Cảnh báo: Tại các khu vực nguy hiểm và khu vực lắp đặt thiết bị điện phải bố trí hệ thống rào chắn, biển báo, tín hiệu phù hợp để cảnh báo nguy hiểm.
Thiết bị điện lắp đặt ngoài trời
Đối với thiết bị điện cao áp lắp đặt ngoài trời phải thực hiện các biện pháp để những người không có nhiệm vụ không được vào vùng đã giới hạn:
- Rào chắn, khoanh vùng hoặc các biện pháp an toàn khác.
- Biển báo, tín hiệu cảnh báo “cấm vào” được đặt ở lối vào, ra.
- Khóa cửa hoặc các biện pháp ngăn chặn khác được bố trí ở cửa vào, ra.
Thiết bị điện lắp đặt trong nhà: Đối với thiết bị điện cao áp lắp đặt trong nhà phải thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn chặn những người không có nhiệm vụ đến gần các thiết bị.
Chiếu sáng vị trí làm việc: Vị trí làm việc phải duy trì cường độ chiếu sáng phù hợp theo quy định hiện hành.
Cảnh báo tại nơi làm việc: Đơn vị công tác phải đặt các tín hiệu cảnh báo an toàn tại những vùng nguy hiểm trong quá trình thực hiện công việc để đảm bảo an toàn cho nhân viên đơn vị công tác và cộng đồng.
2.3. Làm việc với phần có điện
Điều kiện khi làm việc có điện
- Những công việc làm việc có điện phải được người có thẩm quyền phê duyệt.
- Những người làm việc với công việc có điện phải được đào tạo, huấn luyện phù hợp với thiết bị, quy trình, công nghệ được trang bị.
- Phương án thi công và biện pháp an toàn phải được phê duyệt trước khi thực hiện.
- Có các quy trình thực hiện công việc theo công nghệ áp dụng.
An toàn khi làm việc có điện
- Khi làm việc với phần có điện, phải sử dụng trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện bảo vệ thích hợp.
- Kiểm tra các kết cấu kim loại tại nơi làm việc có khả năng tiếp xúc phải đảm bảo không có điện.
- Khi làm việc trên hoặc gần phần có điện, nhân viên đơn vị công tác không được mang theo đồ trang sức hoặc vật dụng cá nhân bằng kim loại.
- Khi làm việc có điện, tại vị trí làm việc nhân viên đơn vị công tác phải xác định phần có điện gần nhất.
Các biện pháp làm việc với điện hạ áp
Yêu cầu nhân viên đơn vị công tác:
- Sử dụng trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện bảo vệ thích hợp khi thực hiện công việc.
- Che phủ các phần có điện để loại bỏ nguy cơ dẫn đến nguy hiểm (nếu cần thiết).
Các biện pháp làm việc với điện cao áp
- Khi làm việc với điện cao áp như kiểm tra, sửa chữa và vệ sinh phần có điện hoặc sứ cách điện (vật liệu cách điện khác), nhân viên đơn vị công tác sử dụng các trang bị, dụng cụ cho làm việc có điện, trong trường hợp này khoảng cách cho phép nhỏ nhất đối với các phần có điện xung quanh khác (nếu chưa được bọc cách điện) phải bảo đảm tương ứng theo cấp điện áp công tác của mạch điện quy định ở bảng sau:
Cấp điện áp đường dây (kV) | Khoảng cách cho phép nhỏ nhất (m) |
Từ 01 đến 35 | 0,6 |
Trên 35 đến 110 | 1,0 |
220 | 2,0 |
500 | 4,0 |
Sử dụng tấm che: Trên đường dây điện áp đến 35 kV, khi khoảng cách giữa dây dẫn và cột điện nhỏ hơn theo quy định tại khoản 25.1, cho phép tiến hành các công việc ở trên thân cột nhưng phải dùng các tấm che bằng vật liệu cách điện.
Gia cố trước khi làm việc có điện: Việc sửa chữa đường dây không cắt điện chỉ được phép tiến hành khi hoàn toàn tin tưởng là dây dẫn và cột điện bền chắc. Trường hợp phát hiện cột không đảm bảo an toàn phải gia cố trước khi làm việc.
Làm việc đẳng thế
- Khi đứng trên các trang bị cách điện đã đẳng thế với dây dẫn, cấm chạm vào đầu sứ hoặc các chi tiết khác có điện áp khác với điện áp của dây dẫn.
- Khi đang ở trên trang bị cách điện đã đẳng thế với dây dẫn, cấm trao cho nhau bất cứ vật gì có thể làm mất đẳng thế.
- Cấm di chuyển trên các trang bị cách điện sau khi người đó đã đẳng thế với dây dẫn. Chỉ được phép vào và ra khỏi phần làm việc của trang bị cách điện sau khi nhân viên đơn vị công tác đã cách xa dây dẫn ở khoảng cách nhỏ nhất ghi trong bảng và sau khi đã làm mất đẳng thế người đó với dây dẫn.
Cấp điện áp (kV) | Khoảng cách nhỏ nhất (m) |
Đến 110 | 0,5 |
220 | 1,0 |
500 | 2,5 |